Tiểu sử Gustav II Adolf của Thụy Điển

Gustav Adolf chào đời tại kinh đô Stockholm, là con trai trưởng của Công tước Karl nhà Vasa và người vợ thứ, Christina xứ Holstein-Gottorp. Trong thời gian đó, anh họ của Gustav Adolf là Sigismund làm vua xứ Thuỵ Điển và Ba Lan. Công tước Karl - một tín đồ Tin Lành sùng đạo - đã lật đổ vị vua Công giáo khỏi ngai vàng Thuỵ Điển vào năm 1599. Cuộc chiến tranh giữa vua Sigismund và Công tước Karl là một phần của xung đột tôn giáo trước khi cuộc chiến tranh Ba mươi năm bùng nổ, sau đó Karl trở thành quan Nhiếp chính, và lên ngôi vua (Karl IX của Thuỵ Điển) vào năm 1604. Thuở bé, Hoàng tử Gustav đã thể hiện mình là một nhân tài xuất sắc, thuộc làu kinh sử. Hoàng gia Thụy Điển đã mang lại cho ông một nền giáo dục tốt đẹp, với những năm tháng rèn luyện kỹ lưỡng. Trong các môn học, Quân sự là bộ môn mà Gustav vô cùng ưa chuộng; ngoài ra, ông cũng không ngại học hỏi các môn Khoa học của chương trình giáo dục Hoàng gia. Ngoài tiếng mẹ đẻ, Gustav có thể nói tiếng Tây Ban Nha, tiếng Nga, tiếng Hà Lantiếng Ba Lan. Tuy ít tuổi nhưng ông cùng vua cha xuất binh ra trận, và giúp vua trong những vấn đề liên quan tới nền quân sự và chính trị đất nước.[6]

Dưới triều Karl IX, thực lực của Vương quốc Thuỵ Điển vẫn còn yếu đuối hơn Vương quốc Đan Mạch láng giềng; song, vị tướng 16 tuổi Gustav Adolf tỏ ra vô cùng quả cảm trong cuộc chiến tranh Kalmar.[6] Vào năm 1611 một chi đội Thụy Điển do ông thống lĩnh đã chiếm được đồn bót quân Đan Mạch, bằng việc đánh lừa đối phương và không hề nhận lấy tổn thất nào.[4][7]

Hùng sư phương Bắc: Vua Gustav II Adolph trong một bước ngoặt trong trận thắng Breitenfeld (1631), chống Quân đội Đức của Bá tước Tilly.

Sau khi vua cha đột ngột qua đời vào tháng 10 năm đó, Gustav Adolf trở thành người thừa kế Vương vị. Theo đề nghị của các quan Nhiếp chính, những người đã nhận thấy tài trí và sự cứng đầu của vị hoàng tử 16 tuổi, ông chính thức lên ngôi vào tháng 12 năm 1611,[7] tức vua Gustav II.[8] Ông trở thành vị vua thứ sáu của triều đại Vasa trong lịch sử Thuỵ Điển, đã lập quốc kể từ năm 1520 khi vua Gustavus Erickson giành lại độc lập cho Vương quốc. Dù đã thất bại và không dám liều lĩnh đòi Vương quyền Thuỵ Điển khi vua Karl IX còn sống, cựu vương Sigismund cho rằng mình dễ dàng giành lại ngôi vua Thuỵ Điển từ tên địch quá non trẻ kia.[9]

Nhưng thời cơ thuận lợi cho vị tân vương: lúc bấy giờ, Vương quốc Thụy Điển thịnh vượng, chủ nghĩa dân tộc Thụy Điển đang trên đà lớn mạnh.[7] Trong thời gian mâu thuẫn với Sigismund, vua Gustav II Adolf xua quân chinh phạt Livonia khi ông mới 31 tuổi, mở đầu cuộc chiến tranh Ba Lan - Thuỵ Điển (1625–1629). Dưới triều đại ông, chiến tranh chống quân Nga, quân Đan Mạch và quân Ba Lan nhiều lần xảy ra; trong những cuộc chiến tranh ấy, nhà vua được học những bài học vô giá từ kinh nghiệm riêng của chính ông, và từ những binh sĩ phục vụ ông sau một cuộc chiến bị hoãn lại tại Hà Lan. Nhờ có những cựu chiến binh này mà ông học được tiến bộ đáng kể về chiến thuật, tổ chức Quân đội và tài chính do Maurice xứ Nassau mở đường. Là một tín đồ Luther sùng đạo, và cũng là một nhà dân tộc chủ nghĩa lớn, ông lợi dụng những mâu thuẫn trên chính trường Âu châu để xây dựng Vương quốc Thụy Điển hùng mạnh hơn.[7] Khi Công giáoTin Lành nước Đức có bất hoà, ông đứng về phe đạo Tin Lành, những tín đồ đạo này đã mở toang cánh cổng các thành phố của họ để chào đón ông. Gustav II Adolf trở nên nổi tiếng nhờ những hoạt động của ông trong vài năm sau: vào tháng 6 năm 1630, ông kéo quân đến Đức, tiếp tục sự can thiệp của Thuỵ Điển vào cuộc chiến tranh Ba mươi năm hãy còn tiếp diễn. Trong lúc này, phe Tin Lành của Gustav II Adolf đang thất thế về tay Đế quốc La Mã Thần thánh và Liên đoàn Công giáo; tuy nhiên, Quân đội Thuỵ Điển nhanh chóng giành lấy thế thượng phong.

Gustav II Adolf kết hôn với Maria Eleonora xứ Brandenburg, con gái của John Sigismund - Tuyển hầu tước xứ Brandenburg, và chọn thành phố Elbing của nước Phổ là đại bản doanh cho những chiến dịch của ông tại Đức. Ông tử trận khi giao chiến với quân Đức tại Lützen vào năm 1632. Cái chết sớm của ông là một tổn thật nặng nề đối với phe Tin Lành. Sự kiện này cũng dẫn đến một kết quả đối với những phần lớn của Đức và các nước khác: phần lớn các nơi này, vốn trở thành tín đồ Luther, giờ đây về với phe Công giáo (tức phái Chống Kháng Cách). Sự can thiệp của ông trong cuộc chiến tranh Ba mươi năm tàn khốc đã gợi lên một lời sấm cổ: ông là hiện thân của "Hùng sư của phương Bắc", hoặc "Der Löwe von Mitternacht" trong tiếng Đức (dịch từng chữ: "Hùng sư trong nửa đêm"). Trong thư tịch cổ nước Đức, Quốc vương Thuỵ Điển được ví von với các anh hùng trong kinh thánh Cựu Ước như Joshua, Gideon, Vua David, hay Alexandros Đại đế và Hoàng đế Theodosius.[5]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Gustav II Adolf của Thụy Điển http://data.rero.ch/02-A018901643 http://books.google.com/books?id=uIsDAAAAYAAJ&dq http://www.aquinas.edu/history/research.html http://catalogo.bne.es/uhtbin/authoritybrowse.cgi?... http://uli.nli.org.il/F/?func=direct&doc_number=00... http://data.bibliotheken.nl/id/thes/p070529957 http://kulturnav.org/90ada1fb-4a83-4bd5-ad6a-2cbfe... http://mak.bn.org.pl/cgi-bin/KHW/makwww.exe?BM=1&N... http://books.google.com.vn/books?id=1h9zzSH-NmwC&d... http://books.google.com.vn/books?id=8UZo2UBMdKYC&p...